Sách đọc khi nằm viện: 7 bài học sau 7 ngày mình làm bệnh nhân
“Bí quyết trường thọ của người Nhật” - cuốn sách theo mình trên giường bệnh.
Đợt tết vừa rồi mình có một chuyến đi nghỉ-dưỡng-bất-đắc-dĩ tại bệnh viện đa khoa Đà Nẵng.
Thật sự thì năm nay mình 28 tuổi rồi và đó là lần đầu tiên mình ở vị trí người đi cấp cứu và người bệnh nhân. Mình đã qua 7 ngày của bao cung bậc cảm xúc: lo lắng, bồn chồn, chán nản, bi quan, hy vọng…; cùng với đó là thật nhiều quan sát, suy ngẫm về bệnh tật, sức khoẻ, môi trường y tế, và thái độ sống.
Thật may là trước khi vào viện mình đã kẹp theo bên mình một cuốn sách để đồng hành - “Bí quyết trường thọ của người Nhật” - viết bởi một huyền thoại y học Nhật Bản, bác sĩ Shigeaki Hinohara.
Chính trong 7 ngày nằm viện này mình thêm thấm thía ý nghĩa của những cuốn sách đối với mình - chúng thật sự quý giá khi cùng mình trải qua và soi xét những vấn đề cuộc sống, đồng hành cùng mình qua khó khăn.
Và mình càng cảm nhận rõ hơn định hướng của blog Lan man này: mình không muốn chỉ chia sẻ về sách vở thôi, thay vào đó, là chia sẻ về những sách vở đã động viên mình trong cuộc sống; chia sẻ những điều mình được ảnh hưởng từ sách.
Thế thì, cuốn sách theo mình trên giường bệnh lần này đã nhắc mình những gì? Dưới đây là 7 bài học sức khoẻ, thái độ sống đã “chạm” đến mình thật sâu sắc:
1. Đừng quá nhạy cảm với bất hạnh, đừng quá ù lì với hạnh phúc
Khi mới nằm viện thì mình thực sự rất rất bi quan. Bệnh của mình nhẹ thôi, nhưng cảm giác bản thân phải nằm một chỗ, làm phiền người nhà, suy nghĩ rằng bạn bè đang vui vẻ còn mình thì nằm đây một cục đau ốm…. Những suy nghĩ khiến mình cảm thấy rất kinh khủng.
Nhưng những dòng này trong cuốn sách đã giúp mình bình tĩnh hơn: “Chúng ta thường có khuynh hướng quá nhạy cảm với những bất hạnh của mình. Cùng là một chiếc gai nhỏ đâm vào ngón tay của mình thì ta sẽ thấy sự đau nhức gấp 10 lần, gấp 20 lần người khác. Cảm nhận được sự bất hạnh thì rất dễ”.
Thế là mình nhận ra ngay cái bẫy tâm lý mình mắc phải. Mình chỉ bị bệnh một chút thôi mà, sao phải làm quá bất hạnh lên thế? “Ai ai cũng mong cầu hạnh phúc nhưng lại rất ù lì trong việc cảm nhận hạnh phúc”, tác giả viết.
2. Yếu tố tâm lý rất quan trọng với bệnh nhân
Trong sách, bác sĩ Shigeaki Hinohara viết: “Cảm giác đau mang tính chủ quan và sẽ tăng gấp nhiều lần nếu người bệnh lo lắng, buồn bã hoặc hoảng sợ. Khi nỗi lo lắng được giảm nhẹ thì cơn đau thực tế cũng giảm đi”.
Thật sự là vậy. Cơn đau mệt của mình tưởng chừng không-chịu-nổi được khi mình nghĩ rằng mình sắp phải mổ, rằng bệnh mình nguy lắm rồi. Cho đến khi bác sĩ báo mình không cần phải mổ thì tự dưng mình lại thấy khoẻ hơn nhiều, tự dưng hết đau hẳn ^^
3. Hãy biết hy vọng vừa phải
Nếu trong khi đau bệnh mà mình lại nghĩ về những khát vọng to lớn chưa thực hiện được, thì mình sẽ thấy khổ sở và tệ hại hơn rất nhiều lần. Một lần nữa, bác sĩ Shigeaki Hinohara lại nhắc mình: “Hy vọng nghĩa là không có nhiều trông mong. [Hy trong chữ Hán nghĩa là ít, hiếm]... Hy vọng là biết bằng lòng với mức độ vừa phải.
Cần phải khiêm tốn để biết ơn những gì đang có trên tinh thần “chỉ cần phân nửa như thế cũng đã mãn nguyện lắm rồi”. Khi ở trạng thái đó thì hy vọng dù nhỏ đến đâu đi nữa cũng đủ để mang lại hạnh phúc”.
4. Hãy là người bệnh nhân chủ động, đừng phó mặc hoàn toàn cho bác sĩ
Như bác sĩ Shigeaki Hinohara viết trong sách, trao đổi giữa bác sĩ và bệnh nhân có thể đóng góp 60% vào quá trình chẩn đoán bệnh. Cho nên người bệnh cần chủ động khi có cơ hội hỏi đáp với bác sĩ.
Mình thấy những bệnh nhân quanh mình (và cả người nhà của họ) thường không chủ động lắm khi bác sĩ đến thăm khám, chỉ biết vâng dạ, gật đầu. Thật sự là không hỏi kỹ thì chỉ thiệt thòi cho mình thôi mọi người ạ, nên hãy chắt chiu từng phút hỏi đáp với bác sĩ, kể cho bác sĩ những dấu hiệu, những nghi ngờ, hỏi hết những thắc mắc của mình nhé (tất nhiên là ở mức cô đọng).
5. Sống thọ và khoẻ là sự tích luỹ của thói quen
Mình nhận ra mình mang bệnh, nhiễm vi khuẩn chính là vì thói quen thường ngày của mình có điểm không tốt. Mình đã chủ quan, đã qua loa. Đợt nằm viện này đã khiến mình nhận ra rằng cơ thể mình mong manh, cần được bảo vệ, chăm sóc như thế nào.
Trong “Bí quyết trường thọ của người Nhật”, vị bác sĩ cũng nhắc đến tầm quan trọng của thói quen, đặc biệt là thói quen ăn uống.
“Những người trên 75 tuổi hiện nay vẫn còn khoẻ mạnh bởi từng bị buộc phải ăn uống kham khổ lúc trẻ và khi xã hội giàu có hơn vẫn không chạy theo việc ăn uống quá đà. Kết quả là họ tránh được nguy cơ mắc phải những “bệnh do thói quen sinh hoạt” như cao huyết áp, đột quỵ, bệnh tim, đái tháo đường, bệnh gan, ung thư phổi”…
6. Tầm quan trọng của KHÍ LỰC
“Người ở tuổi 90 như tôi đi khám tim mạch chắc chắn sẽ phát hiện xơ cứng động mạch. Tuy nhiên, sáng nào tôi cũng thức dậy một cách sảng khoái. Sáng nào cũng ra khỏi giường với cảm giác khoẻ mạnh, tươi mới. Chỉ cần như vậy là đủ và chính điều này mới là quan trọng”, bác sĩ viết.
“Trời nóng thì tập thích nghi với nóng. Thời gian ngủ không đủ nhưng nếu thấy cần phải cố gắng, tôi vẫn sẽ vượt qua bằng khí lực của mình. [...] Môi trường và tình trạng của ta đôi khi thay đổi. Tự mình thích ứng tốt với những thay đổi đó là một trong những bằng chứng cho thấy ta đang khoẻ”.
7. Cuộc sống thật sự rất quý giá, hãy hết mình từng giây phút
Có nằm viện chán nản, mệt mỏi, xung quanh toàn bệnh nhân và mùi thuốc sát trùng, mình mới biết ơn biết bao những ngày khoẻ mạnh bình thường ^^ Mới thấy rằng mỗi ngày được sống thì hãy sống cho thật hết mình, thật tràn trề, thật sôi nổi.
Thái độ sống hết mình cũng là một điều mình cảm nhận rõ rệt trong “Bí quyết trường thọ của người Nhật”. Ngay từ đầu sách, bác sĩ đã viết rằng ông vẫn có lịch làm việc dày đặc, sôi nổi dù đã trên 100 tuổi; ông cũng luôn có những khởi đầu mới cho mình trong mỗi giai đoạn tuổi tác tăng thêm:
“Luôn có ‘ý thức đương nhiệm’, ý thức mình đang công tác, là điều quan trọng. Người đi làm hay người ở nhà chăm con bận bịu đến mấy rồi cũng sẽ có lúc không còn làm những việc ấy nữa, nhưng con người từ lúc sinh ra cho đến trước khi trút hơi thở cuối cùng thì vẫn luôn ‘đang sống’. Ý thức về việc đang sống ấy là điều tối thiểu phải có”.