Vẻ đẹp Hội An: Kho báu trong 'con hẻm'
Kho báu đó chỉ cách bạn vài bước chân. Hãy tiến thêm một chút khỏi những “lệ thường du lịch”.
Trong một lần ghé thăm Hội An, một người bạn Sài Gòn của mình đã thốt lên rằng: ‘Hoá ra cái thành phố đầy khách du lịch này vẫn còn chút gì đó lãng mạn’. Ấy là khi bạn nói về làng rau Trà Quế.
Nhưng mà mình đã vội nói với bạn rằng: Bạn ơi, Hội An vẫn còn nhiều chút lãng mạn lắm!
Bài viết này là về những cảm nghĩ của mình về Hội An, một trong những điểm đến du lịch nổi bật của nước ta, và một cuốn sách giúp chúng ta hiểu hơn về vùng đất này - cuốn “Đô thị cổ Hội An - Di sản văn hoá thế giới” của tác giả, nhà báo Nguyễn Trung Hiếu.
‘Kho báu’ trong con hẻm
Mình không phải người Hội An, nhưng cũng là người Quảng Nam. Phố cổ Hội An cách nhà mình 45 phút chạy xe máy. Suốt 4 năm qua, từ ngày mình bỏ phố về quê, Hội An trở thành một nơi chốn để mình ghé thăm rải rác.
Lần đầu mình ghé thăm Hội An, cũng như người bạn Sài Gòn mà mình đã kể ở đầu bài viết, mình hơi thất vọng, vì khách đông quá, người tràn hết cả phố cổ. Vào phố cổ là thấy chen lấn, ồn ào, không thấy “hồn phố” đâu cả.
Nhưng dần dà, thời gian và những chuyến ghé thăm khác cho mình thêm khám phá, thêm thấu hiểu. Tới nay, mình vẫn không ngừng ồ à ngạc nhiên về thành phố nhỏ xíu này.
Vẻ đẹp của nó như một kho báu bí mật, đang nằm lặng im chờ đợi mình.
Cảm giác đó, nó giống như là bạn đang đứng trước một con hẻm lạ, sâu hun hút đặc trưng của Hội An vậy. Con hẻm dài ngoằng, bí ẩn. Bên trong đó là hẻm cụt đáng chán? Hay một quán ăn ngon, một tiệm cà phê, một quầy bar xinh xắn tuyệt diệu? ‘
Bạn không thể biết, trừ khi bạn bớt chút thời gian, bước chân vào đó để dò la và tìm hiểu.
Điều quan trọng là: Nó chỉ cách bạn vài bước chân. Hãy tiến thêm một chút khỏi những “lệ thường du lịch”.
Những khám phá mới từ sách ‘Đô thị cổ Hội An’
Với cuốn sách “Đô thị cổ Hội An - Di sản văn hoá thế giới” này, sách giúp mình nhận ra những lớp lang lịch sử, những vẻ đẹp dịu dàng, những ý nghĩa lặng thầm trong chi tiết nhỏ của ngôi nhà cổ, hay một món ăn.
Mình cũng hiểu hơn về cốt cách, nếp sống của người bản địa.
Mình xin kể sơ về mục lục để bạn hình dung về nội dung:
Hội An - Quá trình hình thành và phát triển
Kiến trúc
Lễ hội truyền thống
Nhà cổ, nhà thờ tộc, hội quán, đình làng, chùa miếu, giếng, mộ cổ…
Thắng cảnh thiên nhiên
Làng nghề truyền thống
Các món ăn truyền thống đặc sản ở Hội An
…
Tiếp theo, mình xin điểm lướt qua vài chi tiết hay ho trong sách - giúp mình hiểu hơn về những gì hiện diện trong hiện tại ở Hội An.
1, Về kiến trúc Hội An
Kiến trúc và các điểm tham quan chính là nội dung mà mình thích nhất khi đọc sách. Đó là các ngôi nhà cổ, hội quán, chùa, miếu, cầu…
Những cái tên như Nhà cổ Tấn Ký, nhà thờ tộc Nguyễn Tường, Hội quán Triều Châu, Phúc Kiến… - những công trình mà dù đã lướt qua rất nhiều lần, mình CHƯA BAO GIỜ ghé vào.
Khi đọc về các công trình kiến trúc này, mình hiểu biết hơn về quá khứ của Hội An, về bản sắc, lối sống, đời sống tinh thần, tín ngưỡng của người dân bản địa hiện tại, và cả những lớp người từng sống ở Hội An xưa.
Như từ nguồn gốc của Miếu Âm Hồn cũng nói lên chuyện lũ lụt hay chiến tranh mà người Hội An trải qua: “Vì Hội An ở hạ lưu sông Thu Bồn, nơi gặp gỡ các nguồn nước Vu Gia, Chiên Đàn, Thu Bồn nên vào mùa lụt thường có nhiều xác chết trôi từ thượng nguồn đổ về.
Người sống ven sông vớt lên chôn cất. Ngoài ra, Hội An cũng là nơi gánh chịu hậu quả chiến tranh, binh lính các bên chết nhiều nên dân gian lập ngôi miếu âm hồn để thờ phụng các oan hồn uổng tử”...
Sau khi đọc sách này, điều mình sẽ làm trong chuyến ghé Hội An gần nhất chính là: Mua vé tham quan phố cổ và ghé vào thăm, chiêm ngưỡng những ngôi nhà cổ nổi bật.
Mình cũng sẽ ghé những miếu, đình làng, chùa... nằm ngoài phố cổ nữa.
2, Về đặc trưng ẩm thực của Hội An
Tác giả có một nhận định khá thú vị: “Dù là một phần máu thịt của Quảng Nam, nhưng ẩm thực Hội An lại có những khác biệt rất lớn đối với các vùng còn lại trong tỉnh”.
Vì Hội An từng có một thời kỳ cực thịnh về giao thương buôn bán với Trung Quốc, Nhật Bản, nên ẩm thực nơi này cũng chịu ảnh hưởng từ những nước này. Chi tiết này có lẽ được thể hiện rõ nhất trong món chè xí mà (chè mè đen) thường hay được nhắc đến?
Nguồn gốc của món xí mà một phần là từ Trung Hoa, nhưng nguyên liệu làm nên món xí mà Hội An hiện nay lại hoàn toàn thuần Việt, gồm đường đen, rau má, mè đen… Rất thú vị phải không?
“Người Hội An đã kết hợp một cách nhuần nhuyễn đến mức tự nhiên giữa cái dân dã cội nguồn với cái văn minh hiện đại tạo nên một sắc thái rất riêng”, tác giả Nguyễn Trung Hiếu viết.
3, Về tính cách thuần hậu, hướng thiện của người Hội An
Theo tác giả chỉ ra, Hội An có 19 ngôi chùa thờ Phật, con số này so với mật độ dân cư là “không ít”. Và tác giả cho rằng: “Đó chính là nền tảng của hệ thống đạo đức chi phối hoạt động con người Hội An góp phần làm cho người dân ở đây sống rất thuần hậu, hướng thiện”...
💖💖💖
Đó chỉ là một vài hiểu biết mới của mình. Còn nhiều nhiều những điều hay ho về Hội An nữa mà có lẽ mình chưa khám phá hết.
Rốt cuộc, có lẽ nơi nào cũng vậy chăng? Càng gắn bó lâu ngày thì “đất bỗng hoá tâm hồn”, lòng người càng yêu mến, càng muốn tìm hiểu thêm.
Suy cho cùng, với mình, tình yêu đó có lẽ rồi sẽ nảy sinh không chỉ với Hội An, mà còn với bất cứ xứ sở nào khác trên quê hương Việt Nam mà mình đặt chân đến.
Chỉ dành một chút thôi để tìm tòi, chúng ta sẽ thấy dưới chân mảnh đất của mình là những kho báu ngàn vàng. 💛💛💛