Vịn vào hình và chữ để tìm về an lạc
Trong “Nỗi đau này không thuộc về bạn”, tác giả Mark Wolynn đưa ra một cách tiếp cận riêng biệt về chữa lành: Chữa lành bằng ngôn từ và hình ảnh.
Ngôn từ đưa nỗi đau ra ánh sáng
Mark Wolynn có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc với những cá nhân mắc chứng trầm cảm, lo âu, các căn bệnh mạn tính, những ý nghĩ ám ảnh, chứng rối loạn căng thẳng hậu sang chấn.
Từ kinh nghiệm lâm sàng, ông thấy rằng những sang chấn quá khứ thường để lại manh mối dưới dạng từ ngữ và những câu nói đầy cảm xúc nơi các thân chủ của mình.
“Ngôn ngữ có thể là một trong những chức năng đầu tiên vắng mặt khi ta bị nhấn chìm trong một cơn sang chấn, song chúng không bao giờ thật sự mất đi”, Mark Wolynn viết.
“[Ngôn từ] lắng vào vùng vô thức của ta rồi lại trồi lên một cách bất ngờ, không chấp nhận bị rơi vào quên lãng”.
Trong “Nỗi đau này không thuộc về bạn”, một luận điểm trọng tâm mà Mark Wolynn đưa ra là ngôn từ có thể giúp ‘lần ra’ cội nguồn của nỗi đau.
Theo Mark, không phải tất cả các nỗi đau ta đang chịu đựng đều xuất phát từ các biến cố của chính ta. Đôi khi, sang chấn đang ảnh hưởng lên ta thực ra xuất phát từ các thế hệ cha mẹ, ông bà và ta chỉ là người kế thừa (sang chấn liên thế hệ).
Việc lắng nghe từ ngữ đặc biệt có ích trong những trường hợp này. Bác sĩ Mark Wolynn gọi cách “truy tìm nỗi đau” này là phương pháp ngôn ngữ lõi.
“Nỗi đau này không thuộc về bạn” dày gần 384 trang, bao gồm 3 phần. Sau phần 1 giải thích về sang chấn liên thế hệ , phần 2 của cuốn sách giải thích về phương pháp ngôn ngữ lõi; các công cụ, ví dụ, cách thực hành… của phương pháp này.
Còn trong phần 3 của sách, tác giả giới thiệu cách áp dụng phương pháp chữa lành này trong nhiều khía cạnh: sự nghiệp, mối quan hệ…
Một câu chuyện ví dụ được đề cập là về Lorena - cô gái 19 tuổi cứ gặp phải những cơn hoảng loạn khi phải giao tiếp với người khác. Cô mô tả rằng những khi ở cùng bạn bè cô luôn cảm thấy “bị mắc bẫy”, không thể “thoát ra” được. Chứng viêm bàng quang tái đi tái lại cũng khiến nỗi lo âu của Lorena thêm nghiêm trọng.
Mark đã sử dụng nhiều câu hỏi, lắng nghe ngôn từ bất thường trong những câu trả lời của Lorena. Như khi Mark yêu cầu cô miêu tả những trải nghiệm tệ hại nhất có thể xảy đến với một người bất kỳ, Lorena trả lời: “Họ phát điên. Họ sống như một kẻ ẩn dật. Rốt cuộc họ sẽ phải vào bệnh viện tâm thần và cuối cùng thì tự sát”.
Khi Mark tiếp tục hỏi bằng “câu hỏi bắc cầu”, rằng: “Trong gia đình bạn từng có người nào bị xem là một kẻ thất bại, rốt cuộc phải vào bệnh viện tâm thần rồi cuối cùng tự sát không?”.
Từ đó, Mark và Lorena đã phát hiện ra gốc rễ nỗi thống khổ của Lorena nằm ở một sang chấn lớn trong lịch sử gia đình cô: Ông ngoại và dì Lorena từng ở bệnh viện tâm thần và trong đó, chính ông ngoại của Lorena thực sự đã tự sát trong bệnh viện.
Chữa lành bằng hình và chữ
Không chỉ giúp lần ra gốc rễ của nỗi đau, ngôn từ còn có thể giúp chữa lành. Khi thực hành phương pháp ngôn ngữ lõi, nhà trị liệu hướng dẫn thân chủ tìm đến và thực hành những lời nói, hình ảnh, trải nghiệm tích cực, có thể giúp xoá nhoà những cảm giác tổn thương cũ.
Về ngôn ngữ, đó có thể là hoạt động viết thư, lặp lại những câu chữa lành và tưởng tượng những lời nói yêu thương giữa ta với người thân.
Chẳng hạn, như trường hợp của Lorena, Mark Wolynn đề nghị cô mường tượng ra cảnh ông ngoại và dì của cô đang đứng trước mặt cô. Cô xin hai người cầu chúc cho cô một cuộc đời hạnh phúc, dù bản thân họ đã không thể sống hạnh phúc. Cô hứa với cả hai rằng cô sẽ không mang theo gánh nặng xưa cũ nữa…
Bên cạnh từ ngữ, những hình ảnh cũng có tác dụng chuyển hoá nỗi đau. Trong cuốn sách, Mark dẫn ra nhiều ví dụ về việc hình dung khung cảnh chữa lành, những cái ôm giữa ta và người thân. Nếu sang chấn có nguồn gốc từ ai đó trong gia đình, thì đặt một bức ảnh của họ lên bàn làm việc, hoặc trên đầu giường… cũng có thể hữu dụng.
“Hình ảnh mới này có thể trở thành điểm tựa bình an và một điểm quy chiếu nội tại giúp ta tìm về sự an lạc, nơi ta có thể hướng đến hết lần này đến lần khác”, Mark viết.
Dù các hoạt động trên nghe có quá đơn giản và nhỏ bé so với những nỗi đau to lớn mà con người phải chịu đựng, nhưng theo Mark Wolynn, một khi chúng ta thường xuyên thực hành những trải nghiệm mới này, chúng sẽ càng được khắc sâu và đủ sức lấn át những hình ảnh cũ, câu nói cũ, những cảm xúc, ám ảnh tiêu cực cũ.
Điều này được củng cố bởi các nghiên cứu khoa học liên quan đến tính khả biến thần kinh. Như công bố vào năm 1949 của nhà tâm lý học Donald Hebb đã khẳng định rằng bộ não là một bộ phận linh hoạt, có khả năng thay đổi.
Công trình của Donald Hebb cho thấy những trải nghiệm mới có thể tạo nên những đường dẫn truyền thần kinh mới; và chúng sẽ trở nên mạnh hơn nhờ sự lặp đi lặp lại.
“Một khi thực hành tập trung vào các hình ảnh và trải nghiệm có khả năng chữa lành, ta đang đặt nền tảng cho những đường dẫn truyền thần kinh mới. Đến lúc này, quá trình chữa lành có thể trở nên cực kỳ hiệu quả”, Mark Wolynn nói.
Đánh giá về phương pháp chữa lành này, Alexanndra Kreps - bác sĩ tâm thần và là thành viên Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ, cho hay:
“Tôi có thể áp dụng ngay các hướng dẫn của Mark Wolynn cho bệnh nhân của mình và thấy kết quả thật đáng kinh ngạc dù thời gian thực hành ngắn hơn so với khi áp dụng các kỹ thuật trị liệu tâm lý truyền thống”.
Còn một bạn đọc trên Goodreads thì bình luận: “Nhiều khi tổn thương và chấn thương trong quá khứ có thể được bộc lộ qua những gì chúng ta nói hoặc viết về những rắc rối của mình. Các bài tập viết trong sách đã giúp tôi mở rộng tầm mắt”.
Ngoài đem đến một góc nhìn riêng biệt về chữa lành, “Nỗi đau này không thuộc về bạn” còn thu hút bạn đọc bởi lối viết giản dị, cùng nhiều câu chuyện thấm thía từ những thân chủ của Mark Wolynn.
Cuốn sách đặc biệt phù hợp với những ai đang muốn làm sáng tỏ những nỗi đau liên quan đến lịch sử gia đình, nhất là liên quan đến cha, mẹ mình.
Sách cũng dẫn ra những ảnh hưởng vô hình trong gia đình lên mối quan hệ, sự nghiệp của một người, là nguồn tham khảo phong phú để bạn soi chiếu và cải thiện bản thân.