Công việc ở công ty sách đã ‘cứu vớt’ cuộc đời mình như thế nào?
Bài viết này là về một khủng hoảng đáng nhớ của tuổi trẻ và cách mình vượt qua - nhờ những cuốn sách.
Thời còn làm báo, mình có dịp phỏng vấn một anh chủ quán cà phê nhỏ ở Hà Nội.
Trong lúc phỏng vấn, mình có bâng quơ hỏi về chồng sách đang được bày biện ở một góc quán.
Anh trả lời rằng, chúng chủ yếu là những cuốn sách gây-nhàm-chán. Cụ thể, anh đọc những sách cung cấp kiến thức, nội dung rõ ràng theo kiểu 1+1=2, chứ phải tiểu thuyết, văn học, không phải những sách mang lại nhiều cảm xúc.
Vì sao ư? Anh bảo rằng con người ảnh vốn đã có quá nhiều cảm xúc rồi, nên khi đọc sách, ảnh bớt đọc những thứ cảm xúc đi - để cho cân bằng lại.
Đến giờ, tầm 6 năm đã trôi qua, mình vẫn còn nhớ như in ý này của anh. Sách-gây-nhàm-chán quan trọng ra sao, mình chỉ thật sự thấm thía khi trải qua một cơn khủng hoảng tuổi trẻ. :)
🌧️🌧️🌧️
Giai đoạn 21 - 22 tuổi, mình mới đi làm full-time lần đầu tiên (chính là việc làm báo đó), công việc stress liên miên, mình rất yếu đuối và rất dễ down mood. Thời gian đó, mình còn đang mang một cái tội rất lớn với gia đình - bỏ học đại học ngay trước thềm khoá luận.
Rồi thêm chuyện tình cảm không như ý nữa, tất cả các yếu tố cộng gộp lại - khiến cho mình thảm hại chẳng khác nào một tấm giẻ rách.
Tâm trạng mình thường xuyên âm u như bầu trời Hà Nội khi đó.
Mình thấy có lỗi với gia đình, mình cảm thấy bản thân thật tệ hại và chới với, không có điểm tựa nào. Bất an vô cùng.
Thời đó, mình còn giữ thói quen chỉ-đọc-văn-học.
Đó không hẳn là một là tuyên ngôn, đơn thuần là một thói quen từ lâu. Có lẽ vì mình thấy chúng hợp mình, thấy dễ đọc, dễ “vào” hơn, và mình không mảy may nghĩ về chuyện thay đổi.
Còn nhớ là chính trong giai đoạn khủng hoảng khi đó, mình vẫn tiếp tục đọc những cuốn tiểu thuyết đưa mình vào những vòng xoáy cảm xúc đen tối, quẩn quanh, ám ảnh, như những cuốn của Murakami, rồi sách chị Phan Việt…
Sách thì hay, nhưng đọc không đúng lúc. Đã buồn sẵn rồi, mà mình vẫn để nỗi buồn từ sách toả ra, quấn lấy mình, ngày ngày mọi thứ cứ tiếp diễn như vậy...
Vài tháng sau đó, thấy không thể tiếp tục hiện trạng đó mãi, mình quyết định dứt ra khỏi bối cảnh. Mình nghỉ việc ở công ty cũ, say bye luôn nghề cũ, rời khỏi thành phố cũ.
Rồi duyên phận đẩy đưa, với bước chặng tiếp sau, sau vài vị trí công việc không phù hợp, mình được giới thiệu vào làm ở một công ty sách…
Và bạn biết gì không? Công ty sách đó toàn sách self-help!!!! 😄😄😄 Giai đoạn lúc mới vào làm, ngày ngày mình đều phải đọc những cuốn của Napoleon Hill, Tony Robbins, Stephen Covey… để viết giới thiệu sách và viết review.
Những cuốn sách self-help thực sự đã “cứu vớt” cuộc đời theo nghĩa đen.
Có thể nói vậy hơi cường điệu chăng? Nhưng với “đứa trẻ” 21 tuổi non nớt, khủng hoảng và quá yếu đuối cảm xúc là mình khi đó, thì công việc đọc sách đó thực sự như chiếc phao cứu sinh.
Mỗi ngày trôi qua, lên công ty là mình đều PHẢI ĐỌC về sự lạc quan, về kỹ năng quản lý cảm xúc, thời gian, về những điểm tựa thực sự của cuộc sống (thói quen tốt, kỷ luật, mối quan hệ, sự hoạch định cuộc đời…).
Đọc đến đâu mình cũng nhìn thấy vấn đề của mình trong đó - cùng cách giải quyết/phòng ngừa.
Mình còn đọc về quá trình phục hồi của những nhân vật trong những cuốn sách.
Mình thấy có những người còn ở trong những “cái đáy” sâu hơn mình nhiều: Bị lạm dụng, gia đình tan nát, nghiện rượu, phá sản… Nhưng họ vẫn cố gắng từng bước để xoay chuyển tình thế thành công.
Nghe thì hơi sáo rỗng, nhưng mình thực sự đã nghĩ: Họ làm được, sao mình không làm được? Cái đáy của mình, chỉ là, ừm, bỏ học đại học thôi mà… Và so với nhiều trong họ, mình còn trẻ, rất trẻ!
Sao mình lại bi quan tột cùng một cách vô lý như thế?
Công việc, tình cảm, ước mơ không như ý ư? Mình hoàn toàn có thể có cách phản ứng lại khác kia mà, mình có thể thay đổi điều này điều kia, chứ sao lại bất mãn và tuyệt vọng như một tấm giẻ rách, hết ngày này qua ngày khác?
Đến bây giờ, khi nghĩ về những giai đoạn đọc đó, mình vẫn tràn ngập lòng biết ơn.
Công việc ở công ty sách đã đến với mình KHÔNG THỂ ĐÚNG LÚC HƠN.
Giống như mình đang một mình lạc trôi giữa biển cả mênh mông, nhận được một phao cứu sinh đúng lúc.
Công việc này “bắt” mình ngày nào cũng phải đọc sách self-help, dạy mình trở nên lý trí, cân bằng và sáng suốt hơn.
Mình nhận ra cả quãng đời trước đó, mình chỉ chăm chăm đọc tiểu thuyết lãng đãng, hoàn toàn coi thường sách kỹ năng, những sách-nhàm-chán như mình từng tìm lý do để không đọc.
Để rồi bản thân mình đã không được chuẩn bị đủ cho những thử thách (vẫn hãy còn nhẹ nhàng) của cuộc sống.
Mình nhận ra bản thân có phần over-thinking và bi quan hơn người khác. Nên việc mỗi ngày được đọc những dòng chữ lạc quan, lý trí… với mình thực sự là một NHU CẦU THIẾT YẾU - chứ không hẳn chỉ là lựa chọn có cũng được, không có cũng không sao.
(Đến giờ, dù nghỉ việc full-time, mình vẫn duy trì làm freelance cho công ty sách để được đọc sách như thế. Tự trong thâm tâm, mình hiểu rõ rằng công việc này giúp mình duy trì sự cân bằng và lạc quan cảm xúc cần thiết).
Bài viết này không nhằm quảng bá quá đà cho sách self-help hay bài trừ sách fiction hay gì đâu. Mình chỉ muốn kể lại một giai đoạn đáng nhớ của bản thân, về ý nghĩa của việc đọc, và cách đọc quan trọng đến thế nào đối với mình.
Còn những tranh luận muôn thuở về self-help, mình chẳng thể lạm bàn. Đến bây giờ mình vẫn yêu mến cả hai thể loại, và mình vẫn đọc cả hai.
Còn nếu có một “thông điệp” nào đó đến cho ai đó sau câu chuyện của mình, thì chỉ là: Hãy ý thức về những gì tâm trí bạn tiêu thụ, và giữ sự cân bằng - không quá nhiều cái này, không quá ít cái kia.
Hy vọng chia sẻ của mình hữu ích cho ai đó ngoài kia.
Hẹn gặp bạn ở các bài viết khác vào mỗi cuối tuần.
Và đừng quên ấn nút Subscribe màu xanh lá bên dưới 👇👇👇 để đọc thêm những bài viết mới của mình nha - mình viết về sách, chuyện đọc và rất những câu chuyện lan man khác nữa :)
Tuổi 20 vs tuổi 30: 1 quan điểm đọc sách đã HOÀN TOÀN thay đổi
Năm 20 tuổi: Mình chỉ chăm chăm sách văn học, tự động bỏ qua sách self-help, sách non-fiction.