Tiệm sửa giày cũ đầy niềm vui ở Tokyo và 7 gợi ý đi tìm hạnh phúc của người Nhật Bản
Sự hạnh phúc, trọn vẹn mà mỗi người cảm nhận được trong cuộc đời, hoá ra không phụ thuộc nhiều đến tiền bạc hay những điều to tát, mà nằm ở những điều rất nhỏ, rất đơn giản...
Tiệm sửa giày cũ giữa thủ đô Tokyo
Trong thời đại mà sự thành công về địa vị, vật chất thường được đề cao, lựa chọn của Ken Idehara có phần khác biệt.
Anh là chủ của Kogig der Meister - một tiệm giày độc lập, nhỏ bé, nằm nép mình giữa thủ đô Tokyo bận rộn, sầm uất.
Trong những thành phố lớn như Tokyo, người ta có thể tìm đến những chỗ sửa giày vốn nhan nhản ở những ga tàu lớn.
Nhưng đối với ai muốn đôi giày thân yêu của mình được sửa với sự chăm chút và bởi một bàn tay tài hoa, giàu kỹ năng, những cửa hàng độc lập như Kogig der Meister là nơi người ta tìm đến.

10 năm trước, Idehara mở cửa tiệm này sau khi nhận ra bản thân anh muốn làm việc với những đôi giày, đặc biệt là muốn mang lại sức sống cho những đôi giày cũ.
Khách hàng mang đến cho Idehara những chiếc giày mà họ yêu quý, thường có sự kết nối hay mối liên hệ đặc biệt với họ.
Idehara thường trò chuyện với khách hàng trong khi sửa chữa giày, đôi khi việc dây dưa nói chuyện có thể kéo dài thời gian lên hàng giờ đồng hồ.
Sửa giày cũ không phải là nghề kiếm được nhiều tiền, nhưng Idehara đã chọn con đường này và quyết tâm gắn bó với nó.
Đối với Idehara, việc dùng đôi tay mình chạm vào những đôi giày và nói chuyện trực tiếp, thân mật với mọi người điều đem lại cho anh cảm giác trọn vẹn, mãn nguyện.
“Khi một khách hàng với một khuôn mặt lạnh tanh bỗng dưng nở nụ cười khi nhìn thấy đôi giày được hoàn thành, tôi thấy vui, mãn nguyện và cực kỳ hạnh phúc”, Idehara nói.

Ikigai và 7 gợi ý đi tìm hạnh phúc của người Nhật
Trong tiếng Nhật, có một từ nói về điều làm con người ta cảm nhận sự trọn vẹn như trên: Ikigai. Cụm từ này được hợp thành từ hai từ: iki, có nghĩa là cuộc sống, và gai, có nghĩa là giá trị hoặc sự xứng đáng.
Ikigai có thể được hiểu là những giá trị khiến cuộc đời đáng sống. Ikigai của một người có thể thuộc về công việc, sở thích, gia đình, hay bất cứ điều gì mang lại cho họ niềm vui và sự hạnh phúc.

Yukari Mitsuhashi - nữ ký giả và nhà văn tự do - đã phỏng vấn nhiều người Nhật, từ chủ doanh nghiệp, cựu vận động viên điền kinh đến người làm nghệ thuật, để tìm hiểu về ikigai của họ.
Và anh chàng chủ tiệm sửa giày Ken Idehara trong ví dụ ở đầu bài, cũng là một nhân vật mà Yukari phỏng vấn.

Thực tế cho thấy mỗi người có một ikigai khác nhau, không có trường hợp 2 người có chung 1 ikigai.
Tuy nhiên, Yukari Mitsuhashi đã tìm ra 7 điểm chung về ikigai giữa những nhân vật của mình và đúc kết chúng trong cuốn sách “IKIGAI - Chất Nhật trong từng khoảnh khắc”.
Những điều này giải thích cho sự lựa chọn của Ken Idehara - cũng là 7 gợi ý đáng suy ngẫm dành cho những ai muốn tìm kiếm niềm vui và sự mãn nguyện trong cuộc đời.
1. Chú tâm vào cuộc sống thường nhật thay vì cả cuộc đời
Sẽ rất tốt nếu có những lẽ sống vĩ đại, những gì tương lai ta có thể đạt được, nhưng hãy nhớ là chúng ta đang sống từ khoảnh khắc này qua khoảnh khắc khác.
Trân trọng từng phút giây của cuộc sống giúp mỗi người cảm thấy hạnh phúc.

2. Tìm niềm vui ở thế giới bên ngoài, chứ không chỉ từ thế giới bên trong
Những người Yukari phỏng vấn tìm thấy niềm vui trong sự tương tác với mọi người xung quanh.
Ví dụ, nhiều người thích các hoạt động giải trí - như chụp ảnh hay làm bánh - không chỉ vì niềm vui của bản thân mà còn vì được tiếp xúc, chia sẻ kinh nghiệm với người khác.
Việc trò chuyện với khách hàng cũng là nguồn gốc niềm vui của Idehara trong công việc tại tiệm sửa giày.
3. Cho đi thay vì nhận lại
Một trong những lý do chung khiến cho những người Nhật Bản cảm thấy sống trọn vẹn là nằm ở việc giúp cho cuộc sống của người khác trở nên tốt đẹp hơn.
Như những bậc tiền bố ở vùng đảo Okinawa của Nhật Bản, ở tuổi trên 100 họ vẫn tìm thấy mục đích sống thông qua việc phục vụ cộng đồng.

4. Trân trọng sự thay đổi hơn sự cố định
Người ta cảm nhận được ikigai trong những thứ mà họ có thể nhận thấy sự thay đổi và tiến triển.
Cha mẹ thích thú khi được chứng kiến con trưởng thành từng ngày, người lao động cảm thấy được sống và được truyền động lực khi tạo được tiến triển trong công việc...
Sự thay đổi không nhất thiết phải to lớn, nhưng tất cả chúng ta đều thầm mong muốn tìm kiếm và chứng kiến những bước tiến trong cuộc đời mình.
5. Nghiêng về tình cảm hơn là lý trí
Yakari Mitsuhashi cho hay, một tính chất quan trọng của ikigai là nó dựa trên cảm xúc chứ không phải lý trí.
Hạnh phúc, sự mãn nguyện hay trọn vẹn được cảm nhận bằng trái tim thay vì suy nghĩ của bộ não.
Ví dụ, có một lập luận phổ biến rằng con người sẽ hạnh phúc khi có nhiều tiền, vì khi đó ta có thêm nhiều lựa chọn trong cuộc sống.
Nhưng sự thật là nhiều người sống trong giàu có với một tâm hồn trống rỗng.
Hoặc như Idehara - người sửa giày cũ không giàu có - mỗi khi sửa xong một đôi giày, nhìn nụ cười của người khách hàng và anh thấy lòng mình hân hoan, anh cảm nhận được ikigai của mình.
Những cảm xúc chính là nền tảng của ikigai, chứ không phải những lập luận “nên” hay “không nên” của tư duy logic.

6. Chú ý vào những gì cụ thể thay vì sự trừu tượng
Cảm giác mãn nguyện, hạnh phúc được tìm thấy trong những điều nhỏ bé, cụ thể.
Chẳng hạn, khao khát giải quyết vấn đề môi trường là rất tốt, nhưng còn những bãi rác trong khu phố bạn thì sao?
Bắt đầu từ những điều nhỏ bé và chứng kiến ảnh hưởng mà mình tạo ra sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong những việc mình làm, cũng như nhận thức rõ về mục đích của mình.

7. Lựa chọn chủ động
“Không có hành động thì không có ikigai”, Yukari Mitsuhashi nói. Cảm giác hạnh phúc mỗi người đạt được khi bắt tay vào làm, theo đuổi điều gì đó.
Hãy tự hỏi xem bạn có đang chủ động theo đuổi điều gì hay không?
“Khi nhìn lại cuộc đời mình, có điều gì bạn vẫn đang thực hiện mà không cần phải nỗ lực để ý thức về nó hay không?” Yukari đặt câu hỏi.
Cũng có thể thấy, trong 7 điểm chung trên của ikigai, không có gì quá đề cao vật chất hay sự thành công cả.
Mà nó thuộc về sự cho đi, về sự tương tác và đóng góp với người khác, về chú tâm vào từng khoảnh khắc đang trôi qua của cuộc đời và nỗ lực hành động vì điều mỗi người mong muốn.
Chắc có lẽ bạn đã hiểu ra lý do Ken Idehara cảm thấy mãn nguyện với công việc tại một tiệm sửa giày cũ.
Còn bạn, bạn đã tìm thấy ikigai của mình chưa? 🤗🤗🤗

Sách đọc khi nằm viện: 7 bài học sau 7 ngày mình làm bệnh nhân
Đợt tết vừa rồi mình có một chuyến đi nghỉ-dưỡng-bất-đắc-dĩ tại bệnh viện đa khoa Đà Nẵng.