Từ rỗng túi đến 5 chỉ vàng: 5 khoảnh khắc tạo sự chuyển hoá
Bài viết này xoáy sâu vào bước chuyển từ rỗng túi sang tiết kiệm được 5 chỉ vàng của mình.
Sao bao năm thanh xuân túi rỗng, có một vài “thế lực ngầm” đã tác động dần dần đến thái độ và hành vi tiền bạc của mình.
Có những khoảnh khắc đã khiến mình từ một đứa coi thường đồng tiền và không mảy may tin rằng mình có thể “có tiền”, lại dần trở thành người siêu tiết kiệm và ham kiếm tiền.
(Có thể với số đông mọi người, 5 chỉ vàng ở tuổi 28 là con số quá sức khiêm tốn, nhưng với mình, đây lại là một bước ngoặt cực-kỳ-quan-trọng sau bao năm rỗng túi 😅😅 Nên mình vẫn chia sẻ, hy vọng giúp ích cho ai đó đang cần một bước chuyển tương tự chăng).
Không dài dòng nữa, sau đây là 5 khoảnh khắc đã tạo nên sự chuyển hoá của mình.
1, Ba đi bệnh viện
Năm 2021, ba mình bị nhồi máu cơ tim. Đó là lần đầu tiên mình chứng kiến người thân trong gia đình đi cấp cứu và phải phẫu thuật. Chi phí cần nộp vào lúc đó là 50 triệu. May mà anh hai mình có tiền. Nói là “may mà”, tại vì mình lúc ấy rỗng túi mà, đâu có giúp gì được đâu.
Mình đã rất bứt rứt, áy náy, thấy bản thân tệ hại. Mình nhận ra sao bao năm sống mơ mộng, theo-đuổi-đam-mê các thứ, mình lại chẳng có gì để lo cho ba mẹ trong những trường hợp như vậy.
Từ đó, mình muốn thay đổi. Muốn bản thân có nhiều tiền hơn, để có thể support người thân khi họ cần mình.
2, Nhớ lại cảnh ba đi chở nước
Mình bỏ phố về quê từ năm 2020, nên được ở nhà, ở gần ba mẹ. Trong quãng thời gian sống gần như vậy, ngày qua ngày, mình nhớ lại nhiều kỷ niệm tuổi thơ, nhớ lại những lúc ba mẹ cực nhọc vì mình.
Có lần, mình đi lên một chỗ máy gạo, mình nhớ lại cảnh ba mình hồi xưa đi chở nước ở đây. (Nhà giếng cạn, nên mùa hè phải đi chở nước á mọi người, quê mình hồi xưa chưa có hệ thống nước sạch tới tận nhà).
Nhớ đến cảnh đó, mình nhận ra ba má mình từng có quá khứ vất vả như thế nào. Nước quý, gạo quý, và tất nhiên, đồng tiền rất quý.
Mình nhận ra rằng ba mẹ mình để mình lớn lên yên ấm, không thiếu thốn gì, muốn gì có nấy. Nhưng thực ra ba mẹ đã phải chắt chiu và nỗ lực lắm, và phải trân trọng đồng tiền lắm thì mới cho mình được những ngày xưa êm ấm đó.
3, Nhìn những người già và phụ nữ xung quanh mình
Ở quê, mình có cơ hội nhìn thấy tình trạng tài chính của nhiều người ở nhiều độ tuổi và hoàn cảnh khác nhau. Trong đó có những người già và những người phụ nữ.
Trong xóm mình, có người già sống rất đầy đủ, thoải mái nhưng cũng có những người già họ phải kiếm ăn từng ngày. Có những người gần 90 tuổi mà vẫn phải đi mượn tiền. Còn có người đã 60 tuổi mà vẫn phải đi làm cây, đi phụ hồ để sống qua ngày, chưa kể còn phải nuôi cháu nhỏ.
Nếu họ bị đau bệnh (phổ biến nhất là đau khớp), họ vẫn phải uống thuốc giảm đau để đi làm, bởi nếu không làm thì không tiền. Ráo mồ hôi là hết tiền.
Và mình nhìn thấy những người phụ nữ nữa - có một số rất khổ sở khi phải phụ thuộc tài chính vào người chồng. Rồi có cô bạn mình quen, muốn ly hôn mà chẳng được vì ly hôn một cái là xác định trắng tay rời khỏi nhà chồng, tài chính không đủ vững để nuôi con…
Nhìn những cảnh đó, mình nhận ra tiền thực sự gắn với sự tự do, “quyền lực” cá nhân của một người. Trước giờ mình không ham tiền và không ham hưởng thụ, nhưng mình luôn luôn ham muốn sự tự do và tự chủ. Cho nên, muốn tự do thì phải lo tiết kiệm và lo kiếm tiền thui!!!
4, Trả góp laptop
Đợt năm 2021 mình có mua laptop trả góp, cứ mỗi tháng dành ra vài triệu để trả góp. Đều đặn tầm nửa năm như vậy.
Đến một ngày mình trả góp xong, thì tháng sau đó, mình nhận ra là mình có một số tiền dư như thường lệ, nhưng không còn phải trả góp nữa.
Thế là mình còn lại cái thói quen dành ra một số tiền mỗi tháng. Mình đưa chúng cho mẹ. ^^ Mình biết mình tự giữ sẽ không chắc bằng mẹ, nên đưa mẹ là mình hoàn toàn yên tâm. Từ đó mà tiết kiệm được.
5, Đọc sách tài chính cá nhân
Đây không phải là một mà là nhiều khoảnh khắc đọc sách. Trong vòng 3 năm qua mình có đọc thử “Tâm lý học về tiền”, “Đường đến tự do”, “Tài chính cho mọi người”, “Bí quyết đầu tư và kinh doanh chứng khoán của tỷ phú Warren Buffett và George Soros”…
Hay, dở của từng cuốn mình sẽ nói sau. Nhưng mình nhận ra rằng cầm sách tài chính cá nhân lên đọc - dù mình đang ở mức beginner về chủ đề này - giúp mình dần dần vun đắp một vốn hiểu biết và tư duy tích cực về tiền bạc.
Giống như học một kỹ năng mới vậy, mỗi lần ngồi xuống đọc xuống đọc sách là mình đang gieo một hạt giống, cứ thế từ từ tích luỹ qua ngày. Đến một ngày, ngẩng đầu lên, những tư duy về tiền của mình đã thay đổi tự bao giờ…
Hy vọng trong tương lai, mình có thể chia sẻ về hành trình tiền bạc tiếp theo của mình, và hy vọng nó sẽ xa xa hơn nhiều cột mốc 5 chỉ vàng. 😄
Thanh xuân rỗng túi và bước ngoặt thay đổi
Bài viết này kể về quá trình thay đổi hiện trạng tài chính (từ u ám sang tươi sáng xíu xiu) của mình, cùng với chút review về “Tài chính cho mọi người” - cuốn sách tài chính cá nhân mà mình kha khá tâm đắc gần đây.