“Lá mùng 5” ở Quảng Nam: Tết Đoan Ngọ và ký ức quê nhà
Lá mùng 5 là gì? Tại sao lá cây quanh nhà cứ hái vào mùng 5 tháng 5 Âm lịch (Tết Đoan Ngọ) lại “uống có vị thuốc”?
Bữa mùng 1 âm, mình suýt không nhận ra xe máy của cô bán cá Thăng Bình - mối quen của nhà mình.
Do cô đèo một mớ lá mùng 5 phía sau xe (thoạt nhìn tưởng cô nào đi bán rau 😂😂).
Hoá ra là cô lên chợ Quế Sơn, Quảng Nam chỗ mình mua lá mùng 5 để đem về Thăng Bình để phơi khô, làm nước lá mùng 5 uống nhân ngày Tết Đoan Ngọ.
Hình ảnh chiếc xe máy đèo mớ lá sau lưng, với mình, trông thật đáng yêu.
Nó nhắc mình rằng, à, Tết Đoan Ngọ, hay ngày mùng 5 tháng 5 lại đến rồi đấy.
Và nó nhắc mình rằng tục uống nước lá mùng 5, một phong tục đẹp của quê hương, vẫn còn hiện diện thật hài hoà trong đời sống.
Lá mùng 5 là gì? Và sự tích, nguồn gốc của nước lá mùng 5 là như thế nào? Slow Reader sẽ chia sẻ những gì mình biết trong bài viết tuần này nhé.

Lá mùng 5 là gì?
Nước lá mùng 5 thì ta uống quanh năm, nhưng (theo đúng tục lệ) thì lá mùng 5 chỉ được hái vào ngày 5 tháng 5 Âm lịch hàng năm, còn gọi là ngày Tết Đoan Ngọ, ngày diệt sâu bọ.
Cụ thể, cứ đúng giữa trưa, sau lễ cúng gia tiên Tết Đoan Ngọ, đúng ngọ (12 giờ trưa), thì nhà nào nhà nấy đều mang rựa, mang bao để đi chặt lá mùng 5.
Chặt quanh nhà, quanh xóm đã đành, có người còn cất công vào rừng, vào núi để tìm lá.
Cơ mà… lý tưởng thì là vậy. Nhưng hiện nay thì mình thấy bà con mình thường đi hái lá quanh nhà thôi hoặc lên chợ mua lá từ trước ngày mùng 5 mấy ngày. Số người đi lên núi tìm lá cũng ít đi nhiều.

Sự tích lá mùng 5
Có lý giải cho rằng giờ ngọ mùng 5 tháng 5 Âm lịch là thời điểm dương khí mạnh nhất trong năm, cây cỏ hấp thụ được đầy đủ tinh tuý của đất trời, nên lá hái vào thời điểm đó đều có vị thuốc.
Nhưng cũng có một cách giải thích khác: Ông bà xưa cho rằng xung quanh nhà chúng ta thường có những cây cỏ - lá thuốc thường mọc, chúng hiện diện ở đó, có nhiều tác dụng chữa bệnh mà con người lại ít để ý đến.
Do đó, tục hái lá mùng 5 như một lời nhắc nhở - thông qua một phong tục linh thiêng - để bà con ta lưu ý hái một ít lá cây, vị thuốc trong vườn nhà.

Nhắc đến đây, phải kể rằng các nước khác ở châu Á, như Trung Quốc, Hàn Quốc cũng có ngày Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5.
Tuy nhiên, nếu ngày lễ bên Trung Quốc gắn liền với câu chuyện của một thần y tên Khuất Nguyên, thì ngày Tết ở xứ ta không gắn liền với nhân vật lịch sử nào.
Phong tục của bà con mình được giữ gìn trong dân gian thông qua truyền miệng, cứ thể được truyền từ thế này sang thế hệ khác.
Lá mùng 5 gồm những gì? Và có tác dụng gì?
Các loại lá thì nhiều vô kể: Bầu đường, rễ tranh, hà thủ ô, rồi tía tô, dủ dẻ, lá vối, ổi, mã đề…
Lá được chặt xong thì bà con về phơi khô, để dành trong nhà và uống quanh năm.
Ở các chợ quê, người ta cũng bán lá mùng 5 đã được chặt và phơi khô sẵn.
Nước lá mùng 5 uống mùa hè thấy mát, mùa đông thấy ấm, đỡ ho và cảm lạnh.
Và còn có thể liệt kê ra các công dụng từ những loại lá mùng 5 như sau: sát trùng, lợi tiểu, điều trị bệnh về đường ruột, đường tiết niệu, thông huyết, điều kinh…
Nước lá mùng 5 ở Cù Lao Chàm
Được biết, loại nước lá này đã trở thành một đặc sản của đảo Cù Lao Chàm, thuộc Hội An, Quảng Nam.
(Bà con nơi đây gọi là nước lá lao).
Những ai ghé chơi Cù Lao Chàm, vào nơi đâu, hàng quán nào cũng sẽ được mời một ly nước lá lao.
Những túi lá lao đơn sơ cũng được gói ghém thành một thức quà đặc sản để khách mang về.
Năm ngoái mình đi chơi Cù Lao Chàm, tha về một mớ lá mùng 5. ^^
Mình còn nhớ một hình ảnh ở miếu tổ nghề Yến, thấy có cô chú đang chặt lá mùng 5 trong sân miếu.
Mình đã xin phép ngồi… ngắm họ một xíu. Cô chú bảo mình là bây giờ không làm được công việc gì khác mới phải làm công việc này.
Dẫu biết vậy, nhưng trong mắt mình, công việc họ đang làm quá đỗi nên thơ và quý giá.

🌿🌿🌿
Có một điều hơi buồn là bây giờ diện tích rừng núi ngày một thu hẹp, những người xưa làm nghề hái lá mùng 5 “chuyên nghiệp” cũng đã vào tuổi xưa nay hiếm.
Một số loại cây vị thuốc cũng giảm đi đáng kể và khó kiếm hơn xưa.
Không biết nếu những người xưa khuất núi, thì thế hệ sau có còn lưu giữ được kiến thức về các loại lá, và có còn giữ được phong tục đẹp hái lá mùng 5 hay không?
Còn bây giờ, hẳn những người Quảng xa xứ vẫn rất xúc động khi nghe đến “lá mùng 5”.
Người Quảng xa quê nào mà tình cờ được uống một ngụm nước lá, chắc sẽ nhớ nhà phải biết, đúng không mọi người?
Còn bạn, quê bạn có uống nước lá mùng 5 như Quảng Nam quê mình không?
Có đặc sản gì ở quê bạn gắn liền với ngày Tết Đoan Ngọ không? Kể mình biết với nhé ^^