Chia sẻ từ trái tim - thầy Thích Pháp Hòa: 15 trích dẫn chạm đến trái tim mình
"Người dở cũng không hẳn dở, vì họ có cố gắng nên vẫn đáng trân quý".
1, Mình cứ cố gắng sống tốt, rồi từ tốt mình mới tốt hơn, từ tốt hơn mình mới tốt nhất. […] Người dở cũng không hẳn dở, vì họ có cố gắng nên vẫn đáng trân quý.
2, Để quả có mặt thì không chỉ có nhân mà còn phải có duyên. Cho nên ở khoảng giữa nhân và quả còn có cái gọi là duyên.
3, Việc thiện mình làm chưa tạo ra quả do cái nhân, cái duyên chưa đủ. Cho nên mọi thứ đều phải đợi chín muồi.
4, “Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”. Phàm phu thì lúc tạo nhân không ngán, chỉ sợ cái quả nó tới. Còn bậc trí, bậc Bồ Tát thì rất sợ tạo nhân nhưng khi quả tới thì các ngài không lo.
Vì sao? Vì nó đã tới thì phải chịu.
Người Hoa có câu thế này: “Đã là Phước thì không phải họa, mà đã là họa thì không thể tránh”. Đã là họa thì làm sao tránh! Cho nên cuối cùng phải có mặt để mà đối diện với nó.
5, Khi chúng ta nói điều gì đó thành lời, người nghe chỉ là người thứ hai thôi. Người đầu tiên nhiễm ô câu đó là mình.
6, “Lấy mình làm ví dụ” có nghĩa là mình không thích cái gì thì đừng làm cái đó cho người khác. […] Khổng Tử cũng dạy rõ điều này: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” - đừng làm những gì mình không mong muốn cho người khác.
7, Nếu nhìn cho kỹ, nghĩ cho sâu, không giây phút nào chúng ta sống mà không nhận ơn của người khác.
8, Mỗi lần bưng dĩa cơm lên, mình hãy ăn với lòng biết ơn. Để mình thấy có biết bao nhiêu công sức trong này. [...] Có bao giờ mình mở vòi nước ra dùng và cảm thấy ơn nghĩa trong đó không? Hay mình chỉ mặc nhiên xài thôi?
9, “Nước từ nguồn suối cao,
Nước từ lòng đất sâu,
Nước mầu nhiệm tuôn chảy,
Ơn nước luôn tràn đầy”.
10, Trong tâm mình phải nuôi một niệm: đây là của vô thường. Cất để dành khi cần dùng nhưng dễ đi là phải bỏ. [...] Mình còn không thật, huống chi của cải vật chất.
11, Phật nói thân này tạm, nhưng trong khi đang ở thân giả tạm này, hãy làm những việc chân thật, quý báu. Thân này tạm, nhưng có thể tạo ra phước lâu dài.
[...] Có những vĩ nhân đã qua đời rất lâu rồi nhưng những gì họ phát minh, như máy bay, điện thoại… hiện nay vẫn được con người sử dụng. Những gì họ cống hiến cho đời vẫn trường tồn”.
12, Tri túc có nghĩa là biết đủ và sống theo cái đủ của mình, chứ không có nghĩa là “Thôi, biết đủ đi, đừng cầu tiến”.
13, Con là sự tiếp nối của cha, mẹ. [...] Khi nói lên được như vậy, tự nhiên mình thấy bổn phận của mình.
14, Người ta không chào mình, mình chào họ mới là phi thường. Còn người ta không chào mình, mình không chào lại thì tầm thường quá.
15, Mục đích tu của đạo Phật là gì? Không phải là một ngày nào đó mình thành Phật ngồi trên bông sen, mà chúng ta tu để thành Phật - tỉnh giác ngay trong cuộc sống của mình. [...]
Công đức không nằm ở chỗ thuộc kinh nhiều, mà ở chỗ chúng ta chuyển được các tập khí phiền não của mình.
🌼 Review nhanh về cuốn sách 🌼
🍀 Đọc sách này, mình nhận ra nếu xét đến tận cùng, “tu tập” và “phát triển bản thân” thật ra không khác nhau.
Rằng nếu tạm gác qua lớp màng tôn giáo, thì tu đơn thuần là con đường để mình sống tốt hơn: Sửa thói quen xấu, rèn thói quen tốt (nghiệp tốt); đối đãi tốt hơn với người khác; làm nhiều điều tốt đẹp cho đời (tạo phước). 🤗🤗🤗
Nếu xét đến tận cùng, “tu tập” và “phát triển bản thân” thật ra không khác nhau.
🍀 Thầy Thích Pháp Hoà liên hệ nhiều khái niệm Phật học với những ví dụ đời sống gần gũi (gần như chuyện nấu cơm, rửa chén trong nhà mình), nên vừa đọc vừa tự soi mình, tự sửa từng chuyện nhỏ.
🍀 Thầy hài quá, nhiều đoạn đọc cười té ghế. 😅😅😅