Vài kỷ niệm với... Krishnamurti
Có một điều thú vị khi làm việc lâu với một công ty sách, là qua nhiều tháng năm, bạn được ‘gặp đi gặp lại’ vài gương mặt tác giả thân quen, giống như có một sợi dây duyên phận kết nối họ với bạn vậy.
Với mình, J. Krishnamurti là một tác giả như thế.
Bài viết này là về vài kỷ niệm giữa mình (một người viết review sách chuyên nghiệp) với các cuốn sách của triết gia, nhà tư tưởng Krishnamurti, cũng như bài học quan trọng mình học được từ ông.
Sách Krishnamurti khó hiểu, nhưng…
Cuốn sách đầu tiên của Krishnamurti mà mình đọc là “Tự do đầu tiên và cuối cùng”.
Tình cờ thay, đây cũng là cuốn sách dày nhất của ông mình đã đọc qua, và tiêu đề của nó thể hiện rõ nhất tư tưởng của Krishnamurti.
Lần đầu “chạm mặt” Krishnamurti, cảm giác thế nào ư? Quá ư là khó hiểu và khô khan đi.
Có những đoạn mình cứ đọc đi đọc lại, rồi lại đọc lại lần nữa, mà vẫn không hiểu là ông ấy nói gì.
Hồi ấy, trong cương vị là người viết review sách, mình bắt buộc phải đọc hết sách rồi mới viết review.
Mình nhớ rằng, với “Tự do đầu tiên và cuối cùng”, mình đã đọc qua 1 lần cuốn sách dày 430 trang ấy, mà vẫn không thấm được gì để viết. 🥲
Nhưng không hiểu sao, trong lần đọc thứ 2 ngay sau đó, khi đọc thật kỹ, nghiền ngẫm từng đoạn khó hiểu nhất, thì mình bỗng “vỡ” ra gì đó từ những trang viết ấy.
Lần đọc đó hoá ra đã thay đổi mình. Mình nhận ra, nếu mình cố gắng đi qua cái vẻ ngoài ngôn từ triết lý, khô khan đó, thì tư tưởng hàm chứa trong đó sẽ tạo nên cho mình một cuộc CÁCH MẠNG.
Chỉ có một tư tưởng duy nhất mà mình nhớ thôi: “Chân lý là vùng đất không lối mòn” (“Truth is the pathless land”).
Không lối mòn, nghĩa là không được tuân theo quá khứ, theo lời chỉ dẫn của người khác, hay kinh nghiệm đã qua của chính bản thân.
Và tư tưởng này không hề sách vở đâu. Mình sẽ kể với bạn về tác động thiết thực của nó lên những quyết định nhỏ, to của mình.
Ví dụ nhé, như chuyện viết bài viết tiếp theo trên blog The Slow Reader này theo cách nào?
Mình phải rũ bỏ hết những kinh nghiệm cũ và đối mặt với thách thức trước mắt - bài viết hiện tại, cũng như cảm giác hiện tại của mình.
Kinh nghiệm quá khứ có thể có ích, nhưng mình cần phần nào đó gạt qua tất cả để đối diện với bài viết hiện tại bằng con mắt thật mới mẻ.
Đôi khi, nó sẽ dẫn đến một format bài viết hoàn toàn khác, thậm chí khác hẳn so với tất cả các bài viết mình từng viết hay đọc qua.
Như vậy, khi rũ bỏ những “lối mòn” cũ kỹ, những trang viết của sẽ mình luôn tươi mới, luôn chuyển động cùng cuộc sống, chứ không bị bó hẹp trong cái cũ, trong quá khứ.
Nhưng đó chỉ là chuyện viết một bài viết. Tư tưởng của Krishnamurti còn theo mình trong những quyết định, ngả rẽ khó khăn của cuộc sống, cho mình thêm tự tin nắm lấy thẩm quyền quyết định mọi thứ theo cách của mình.
Điển hình nhất, như chuyện mình quyết định về quê, hay rẽ qua nghề làm phim. Thì chọn con đường về quê thế nào?
Hay chọn làm phim theo con đường nào (như theo đoàn phim, hay làm biên kịch, ngoài ra còn có con đường nào khác không?).
Thật sự là sau khi vẽ ra con đường phía trước, mình đã chọn những chọn lựa ít có tiền lệ, không mentor nào khuyên mình thế cả.
Chỉ khi đi một lúc, con đường sáng hơn, thấy phù hợp với mình thật, mình mới thở phào. Nhưng trước đó, mình đã dũng cảm chọn và đi, là nhờ… Krishnamurti ở phía sau thúc đít, ủng hộ.
(Và cho dù con đường sự nghiệp mình chọn có điều chưa đúng đi nữa, thì cách mình chọn đi - tin vào thực tại trước mắt và vào chính mình, không lệ thuộc vào quá khứ hay kinh nghiệm của ai - cũng là một cách ra quyết định đúng).
“Ông [Krishnamurti] lý luận rằng thực tại là cái không ngừng biến chuyển, vấn đề không bao giờ đứng yên nên những câu trả lời hay lời khuyên đi trước đơn giản không thể áp dụng được vào hiện tại, vào “cái đang là” đang diễn ra.
Trước những thách thức luôn luôn mới mẻ, mọi kinh nghiệm, quan điểm, công thức hay ký ức đi trước đều trở thành “một khuôn mẫu cũ kỹ”. Lời giải hay niềm tin có sẵn không áp dụng vào được vấn đề - dù là bài giải toán, câu chuyện kinh tế, xã hội hay câu hỏi về định hướng cuộc đời bạn - mà bạn đang đối mặt ngay tại khoảnh khắc này”...
(Trích bài review mình viết, đăng trên Zing News năm 2020).
Mỗi cuốn sách, một thử thách
Sau “Tự do đầu tiên và cuối cùng” và bài học quan trọng mà nó cho mình, lác đác trong vài tháng, vài năm về sau, mình đã đọc “Thế giới trong bạn”, “Cuộc đời phía trước”, “Đôi điều cần suy ngẫm”, “Đánh thức trí thông minh”...
Trong những cuốn sách đó, theo mình cảm nhận, thì dòng chảy tư tưởng xuyên suốt nhất vẫn là TỰ DO khỏi lối mòn, như mình đã giải thích ở trên.
Nhưng mỗi cuốn cũng mang một sắc thái riêng và đem lại cho mình những chiêm nghiệm mới.
Mình thích nhất là “Cuộc đời phía trước” vì mình quan tâm nhiều đến chủ đề giáo dục, có lẽ vì thế mà cuốn sách đó với mình là dễ đọc nhất; quá trình viết review cho cuốn sách đó cũng suôn sẻ nhất.
“Đôi điều cần suy ngẫm” cũng là một cuốn sách mang đến cho mình đôi điều mới mẻ về việc làm nghệ thuật, sáng tạo…
Tuy nhiên, dù mình đã hiểu được Krishnamurti một lần với “Tự do đầu tiên và cuối cùng”, những cuốn về sau, trong lần đầu tiên mình đọc chúng, mình vẫn thấy sách… khó hiểu như thường.
Và có vài cuốn, mình phải đọc lại lần thứ 2 ngay sau đó thì mới thấm được một chút ý nghĩa.
Và không ít lần, (lạ kỳ thay), cầm cuốn sách lên đọc lần 2 mà thấy y như đang đọc một cuốn sách mới vậy.
Cho nên với mình bây giờ, sách Krishnamurti vẫn là những cuốn sách thách thức nhất, nhưng cũng đáng chờ đợi nhất.
Lời văn của ông trực diện, nhưng với mình, luôn hàm chứa bí ẩn, hàm chứa những chân trời mình chưa biết tới.
(Chỉ có một điều mình ngại: việc viết review sách của ông tương đối khó khăn, trầy trật.
Như riêng “Đánh thức trí thông minh”, mình có một trải nghiệm hơi chua khi viết review.
Do chủ quan, viết tào lao, bị biên tập phê cho một câu xanh rờn vào bài đến giờ mình vẫn còn nhớ: “Krishnamurti viết đã khó hiểu rồi, người viết review còn viết khó hiểu hơn”). 🤣🤗😪
Thế đó, đó là vài kỷ niệm với một vị tác giả thật đặc biệt. Mình luôn cảm thấy biết ơn vì đã được tiếp xúc với một nhân vật như J.Krishnamurti và tư tưởng của ông.
Còn bạn, bạn đã đọc sách Krishnamurti chưa? Bạn có cảm nhận như thế nào? Những tư tưởng của ông có ích cho bạn không? Chia sẻ cho mình biết với nhé.