Cứ đi để lối thành đường - Để quá trình chọn nghề, chọn trường bớt hên xui, cảm tính
Dạo gần đây, khi lướt các group sách trên Facebook, mình bắt gặp nhiều câu hỏi về sách chọn nghề, tìm kiếm bản thân.
Có lẽ là mùa hè đến rồi, nhiều bạn học sinh - sinh viên cũng được thoát khỏi các nhiệm vụ học tập thường nhật, và đặc biệt các bạn 12 cũng đang đứng trước các lựa chọn trường, chọn ngành, chọn hướng đi trước mắt, nên mối quan tâm về chủ đề hướng nghiệp, tìm kiếm bản thân cũng tăng lên.
Để quá trình chọn nghề bớt hên xui, cảm tính
Nhớ lại thì, những năm lớp 11, 12 mình luôn ghen tị với mấy đứa bạn luôn biết rõ rằng sẽ thi trường gì, kiểu biết từ hồi tiểu học, trung học cơ.
Còn mình thì mình không biết, mình nhớ hồi năm cuối lớp 11, mình thậm chí còn cầm vài tờ giấy A4 và viết vào đó mấy chục nghề nghiệp.
Mình từng liệt kê đến nghề đầu bếp, hoạ sĩ các thể loại, rồi gạch chân từng dòng để loại trừ, nhằm thu hẹp vùng lựa chọn…
Nhưng đó cũng chỉ là bắt đầu của hành trình tìm nghề tìm mình dài đằng đẵng sau đấy.
Mình vào đại học, rồi bỏ đại học, rồi đi làm, rồi chuyển ngành, bao nhiêu là ngả rẽ, băn khoăn.
“Cứ đi để lối thành đường” là cuốn sách hướng nghiệp của chuyên gia tư vấn hướng nghiệp Phoenix Hồ.
Đây là cuốn sách có nhiều kỷ niệm với mình và cũng đã trợ giúp mình khá nhiều trong những năm đầu 20s giông gió đó.
Trong sách này có những câu chuyện thực tiễn của các bạn sinh viên nơi chị Phoenix Hồ làm tư vấn hướng nghiệp, có những trăn trở về ngành học.
Trong sách, có chuyện mâu thuẫn với cha mẹ về lựa chọn, sự sợ hãi của các bạn khi lựa chọn con đường riêng không theo ý gia đình.
Sách còn có những tự sự của tác giả trong vai trò một người hướng dẫn, đồng hành cùng các bạn học sinh và phụ huynh.
Chị Phoenix Hồ có chuyên môn vững vàng và có nhiều năm làm việc tại đại học RMIT Vietnam, hiện nay chị vận hành doanh nghiệp hướng nghiệp của riêng mình - Hướng nghiệp Sông An.
Chị Phoenix Hồ cũng từng xuất hiện trong chương trình EduStation và Have A Sip của Vietcetera đó mọi người.
Từ khi bắt gặp cuốn “Cứ đi để lối thành đường” của chị Phoenix Hồ thì chuyện tìm kiếm con đường của mình mới bắt đầu có hệ thống hơn, bớt nhập nhằng, bớt hên xui, bớt cảm tính hơn.
Sau đó mình cũng có may mắn được phỏng vấn chị Phoenix (cho một bài báo năm 2019) nên càng ngấm hơn những chia sẻ về hướng nghiệp của chị.
3 công cụ
Trong bài viết này thì mình xin giới thiệu với mọi người 3 công cụ mà mình áp dụng nhiều nhất và nhớ nhất thôi.
3 công cụ này được đúc kết từ 3 nguồn: sách “Cứ đi để lối thành đường”; website Hướng nghiệp Sông An; và từ cuộc trò chuyện giữa chính mình với chị Phoenix năm 2019.
Cụ thể, các công cụ đó là:
1, 3 câu hỏi lớn
Từ những hướng dẫn của chị Phoenix trong sách, mình hiểu rằng hướng nghiệp cần theo một quy trình gồm 3 bước, trả lời cho 3 câu hỏi lớn: “Tôi là ai?”; “Tôi muốn đi đến đâu?”; “Làm sao tôi đến được nơi đó?”.
“Tôi là ai?” là tìm hiểu về bản thân, bao gồm cá tính, sở thích, năng lực, giá trị.
“Tôi muốn đi đến đâu?” là tìm hiểu về những ngành nghề hiện tại, ví dụ như đọc về các chuyên ngành đại học, đọc về công việc mà mình nghĩ có thể phù hợp với mình.
“Làm sao tôi đến được nơi đó?” là câu hỏi nối giữa “tôi” (câu hỏi 1) đến mục tiêu nghề nghiệp mà “tôi” mong muốn (câu hỏi 2). Chị Phoenix cũng chia sẻ rằng bước thứ 3 này là bước khó nhất, sẽ có rất nhiều chật vật, thử sai và nỗ lực trong quá trình trả lời câu hỏi này.
(Chẳng hạn, như mình, có một thời gian, sau khi trả lời câu hỏi 1 và 2, mình từng nghĩ nghề báo là nghề lý tưởng cho mình; nhưng khi mình thử đi làm báo trong vòng hơn 1 năm, thì mình nhận ra nghề này không phải “the one” của mình; thế là mình quay trở lại, tìm kiếm lại từ đầu - tất nhiên với những input mới từ hơn 1 năm thử làm nghề báo đã qua đó).
2, Trắc nghiệm sở thích nghề nghiệp Holland
Đây là một công cụ cực kỳ quan trọng để trả lời cho câu hỏi số 1 - “Tôi là ai?” - ở trên.
Không rõ mình đã giới thiệu trắc nghiệm này cho bao nhiêu người quanh mình rồi, từ người yêu cũ, cho đến ông anh gần 35 tuổi của mình, rồi mấy bé em học sau vài khoá ở đại học…
Để xem họ có thiên hướng thuộc nhóm nghề nào trong 6 nhóm nghề, từ đó thu hẹp vùng tìm kiếm lựa chọn ngành nghề.
6 nhóm nghề đó bao gồm: Kỹ thuật, nghiên cứu, nghệ thuật, xã hội, quản lý, nghiệp vụ.

Bạn bấm vào link này để làm trắc nghiệm trên website Hướng nghiệp Sông An nha.
Bật mí với mọi người là mình mạnh nhất ở 2 nhóm nghề Nghệ thuật và Xã hội nha. Đây là kết quả trắc nghiệm gần nhất của mình (thực hiện ngày 8/6/2024).
(Do bản thân mỗi người sẽ thay đổi theo thời gian - do trải nghiệm và môi trường - nên bạn lưu ý rằng những kết quả này sẽ thay đổi chứ không bất biến nhé).
3, Mô hình lý thuyết cây nghề nghiệp
Một điều mình nhớ nữa là sự chậm rãi, kiên nhẫn mà mọi người cần có trong hành trình tìm nghề, tìm mình.
Thường thì các bạn sinh viên, lẫn phụ huynh của họ, thường rất nôn nóng học xong có tiền ngay.
Ví dụ chi phí học 4 năm là vài trăm triệu đi, thì cảm giác là khi đi làm lương cũng vài chục triệu để có cảm giác “gỡ gạc” lại được.
Nhưng chị Phoenix nói rằng thật ra con đường nghề nghiệp của mỗi người là rất dài, 4 năm học đại học rồi sẽ có “quả ngọt” thậm chí trong vài chục năm sau đó.
Nên mọi người đừng thấy ra trường làm được ít tiền mà đã vội nôn nóng, đã vội thấy “lỗ”.

Nhìn vào mô hình lý thuyết cây nghề nghiệp trên, mình cảm thấy an tâm hơn.
Mình nghĩ rằng tập trung vào những thành tố liên quan đến rễ, thì quả ngọt sẽ sai quả vào một ngày nào đó thôi.
Dòng sông nghề nghiệp
Điều mình thích nhất trong triết lý hướng nghiệp của chị Phoenix Hồ, được thể hiện ngay trong tên cuốn sách của chị: “Cứ đi để lối thành đường”.
Trước mỗi ngả rẻ, mỗi quyết định, chúng ta thường lo lắng và có mong muốn được nhìn rõ cả con đường đó.
Nhưng điều quan trọng là hãy bước đi, hãy hành động, theo từng bước chân của mình thì con đường mới sáng rõ dần.
Chị Phoenix cũng có một ẩn dụ, coi hành trình nghề nghiệp của mỗi người như một con sông.
Có thể nhiều quanh co, và luôn liên tục chảy trôi, không bao giờ hẳn là kết thúc.
Có những người 30 tuổi, 40 tuổi, 50 tuổi, thậm chí đã nghỉ hưu, vẫn tìm đến chị Phoenix để được ngồi xuống nhìn lại, tìm ngả rẽ nghề nghiệp mới cho bản thân họ.
Hy vọng trên dòng sông đó, mỗi người chúng ta luôn đưa ra quyết định đúng nhất trong từng thời điểm, và cũng đủ sự thư giãn, thả lỏng trong quyết định đó, vừa hành động, vừa đón chờ xem dòng sông của mình có thể trôi đến những nơi đâu. :)
(Trích trong bài phỏng vấn chị Phoenix Hồ năm 2019)
Hỏi: Theo Phoenix, tại mỗi thời điểm, kết quả của một quyết định nghề nghiệp đúng là?
Là sự bình an trong tâm hồn.
Hành trình chọn ngành học và nghề nghiệp là một hành trình dài đằng đẵng, với rất nhiều sự thay đổi không đoán trước được.
Nói thật, rất khó tìm ngành học phù hợp 100% để ta vui hết cỡ, và cũng khó trong 5 năm đầu đi làm để tìm ra công việc phù hợp 100% để ta hạnh phúc mỗi ngày.
Tôi hay chia sẻ với các bạn trẻ rằng điều quan trọng là đừng chọn sai, sau đó, từ từ tìm ra cái đúng nhất theo từng thời điểm.
Do đó, sự thay đổi theo từng giai đoạn cuộc đời là chuyện sẽ xảy ra, đừng ngại, hãy lớn lên cùng với những thay đổi ấy.
Và cá nhân tôi nhận thấy, điều quan trọng nhất trong tư vấn hướng nghiệp là giúp người được hướng nghiệp tìm ra được chọn lựa có thể cho họ nhiều bình an nhất trong tâm hồn.
Vì thật ra, người cuối cùng phải sống với quyết định hướng nghiệp là bản thân họ, do đó khi họ vui vẻ, bình an với quyết định ấy thì cuộc hành trình mới tốt đẹp được.
Để rồi sau đó, khi cần thay đổi, những bước chuyển biến, sửa chữa sai lầm sẽ nhẹ nhàng hơn, và họ sẽ có được sự bình tâm, mạnh mẽ khi đứng dậy sau thất bại và tiếp tục hành trình.
Vì sách “Cứ đi để lối thành đường” hiện mình check trên nhiều trang bán sách đã hết hàng.
Do vậy, các bạn chưa có điều kiện mua sách và đọc sách thì mình recommend bạn vào trang web của Hướng nghiệp Sông An, vào mục Kênh tài nguyên để tìm kiếm các công cụ như là trắc nghiệm hay là đọc các câu chuyện nghề nghiệp nha.
Theo đuổi 2 sự nghiệp cùng lúc là cảm giác thế nào?
Mình bắt đầu “cầm bút” viết chuyên nghiệp vào đầu năm 2018. Còn mình bắt đầu cầm máy ảnh tập quay phim vào năm 2020. Đến nay, mình đi con đường viết đã gần 6 năm; còn phim là 4 năm.