Làm việc cho ước mơ của người khác
Bạn từng nghe qua câu nói này chưa? “Nếu bạn không tự xây ước mơ của mình thì người khác sẽ thuê bạn xây ước mơ của họ”.
Xin chào mọi người, The Slow Reader đây!
Như nhiều bạn đã biết, tháng 4 vừa rồi, mình trải qua 3 tuần viết content tài chính cá nhân. Mình làm cho một chị chủ kênh YouTube.
Lúc phỏng vấn trước khi nhận việc, khi được hỏi tại sao mình lại chọn công việc này. Mình đã trả lời rằng, dạ, em cũng đang xây kênh.
Mình muốn làm việc cho một kênh khác để hiểu quá trình làm kênh thành công (và có doanh thu) là như thế nào.
Bạn nghĩ đúng rồi đấy, mình muốn xây dựng và phát triển Slow Reader bền vững hơn - dù bây giờ định hướng của nó còn khá mông lung.
Trong 3 tuần đi xây kênh - xây ước mơ - cho người khác, mình có nhiều suy nghĩ thú vị. Mình xin chia sẻ 3 suy ngẫm nổi bật trong bài viết tuần này nhé.
1. Mình hiểu ‘làm việc cho giấc mơ của người khác’ có nghĩa là gì
Bạn từng nghe qua câu nói này chưa? “Nếu bạn không tự xây ước mơ của mình thì người khác sẽ thuê bạn xây ước mơ của họ”.
Nghe rất là… self-help đúng không? Không hiểu sao, câu nói này “ghim” vào đầu mình những năm đầu 20, thôi thúc mình xây dựng ước mơ của riêng mình.
Cho đến giờ, mình 29 tuổi, mình luôn có thể mạnh miệng nói là mình sống cho ước mơ. Giữa tiền và ước mơ, em chọn gì? Mình đã luôn chọn ước mơ.
Mình được nhận xét là “dũng cảm” khi theo đuổi những công việc hiện tại. Tuy nhiên, ước mơ của mình chưa thành hiện thực. Mình vẫn còn chưa ở điểm khiến mình an tâm.
Mình đang làm việc cho ước mơ của người khác để kiếm tiền, những công việc mình xem là “dự án ngắn hạn”, để chờ đợi ngày ước mơ dài hạn của mình thành quả ngọt.
Tháng 4 vừa qua, nhiều tiếng mỗi ngày, mình dành ra để thu hút follower và kết nối với fan của chị ấy, chứ không phải fan của mình.
Dù điều này giúp mình quan sát và học được nhiều điều hay, không ít lúc mình cảm thấy hơi… cay đắng.
“Bao giờ mình mới ở vị trí như chị ấy?”, mình tự hỏi.
Cảm giác thế nào nhỉ? Giống như mình là một cái bóng, còn người khác là ngôi sao vậy.
Nhưng nhờ vậy, mình mới quyết tâm hơn. Mình hiểu tại sao phải tập trung xây dựng cho ước mơ của mình, dù chỉ là với một chút thời gian mỗi ngày.
Vì mình không muốn làm việc cho ước mơ của người khác mãi mãi.
Suy nghĩ đó khiến buổi sáng mình quyết tâm dậy sớm ngồi viết cho Slow Reader, hay ngồi tập viết tiếng Anh (chứ không được bỏ dở giữa chừng như những năm trước).
Nó cũng khiến mình kiên quyết vượt lười để chạy xe đi khảo sát phim, dù là một hai ngày thôi và hôm sau mình lại phải trở về nhà để tiếp tục… làm việc cho ước mơ của người khác.
2. Chúng ta chọn những con đường khác nhau để tới cùng đích đến
Ước mơ của chị kia là đạt được tự do tài chính để làm điều chị ấy thích. Còn ước mơ của mình, là có thể làm những nghề mình yêu theo một cách tự do.
Nhìn nhận lại, thì điểm đến của hai chúng mình cũng… chẳng khác nhau là bao, đúng không?
Và bạn biết gì không? Xuất phát điểm của hai tụi mình cũng giống nhau luôn: Cùng quê Quảng Nam, gia cảnh bình thường, cũng vào Sài Gòn học ngành kinh tế.
Có điểm đầu và điểm cuối giống nhau, thế nhưng con đường mà chị ấy và mình đi đến ước mơ bằng hai con đường hoàn toàn khác biệt nhau.
Chị ấy quan niệm rằng cần phải giàu trước đã, mọi thứ còn lại để sau. Nên từ khi ra trường, chị ấy chỉ chọn những công việc lương cao thôi.
Còn mình, mình đã đi một con đường khác. Mình chọn làm việc mình thích, với thu nhập còi cõm, đôi khi nhiều tháng trải qua không có thu nhập.
Nên việc làm việc với chị ấy, giống như mình nhìn thấy một “version” khác của bản thân vậy.
Nó khiến mình tự hỏi, nếu trong quá khứ mình chọn đi con đường kia, thì bây giờ mình ra sao nhỉ?
Càng tiến gần tuổi 30, mình càng nhìn thấy những “version” khác của mình ở trong người khác như vậy.
Một người chị cùng công ty cũ giờ đang sở hữu một căn nhà ở Sài Gòn. Đứa bạn cấp ba đã thành bác sĩ. Chị chủ kênh này nữa.
Họ có hạnh phúc không với ngả rẽ đã chọn? Rồi điểm cuối của mình và họ sẽ ra sao?
Mình có tiến tới ước mơ của mình không? Và họ thì sao?
3. Đừng nói: “Cỏ xanh hơn ở bên kia đồi”
Đọc những newsletter và xem những video YouTube của chị ấy trong những năm qua, mình hiểu rằng chị ấy đã đi qua một con đường gian khó và vất vả.
Thậm chí, chị ấy gặp phải những suy sụp tinh thần trong quá trình xây kênh YouTube.
Và bạn biết gì không? Ngay cả chị ấy, chị ấy đang có một kênh rất tốt, nhưng vẫn phải đi làm full-time mỗi ngày.
Ồ, nên mình không còn cao ngạo rằng, à mình đang chọn một con đường khó khăn hơn người khác.
Nhìn xem, người khác cũng vượt qua rất nhiều khó khăn và cũng nỗ lực rất nhiều kia kìa.
Nhìn cách chị ấy nỗ lực và tài giỏi như thế, mình thấy mình vẫn còn chill chán. Mình bớt ca thán hơn 🤗
Mình hiểu ra chẳng có thành công nào là dễ dàng và nhanh chóng cả.
Dù con đường chúng ta chọn là khác nhau, mình cũng nên trân trọng lựa chọn của người khác.
Và đừng nói, “cỏ xanh hơn ở bên kia đồi”. Đôi khi, mảnh đồi mình đang đứng mới thật xanh tươi, chill chill, mát lạnh và thoải mái hơn nhiều. 😂😂😂
🤗 Cảm ơn bạn đã ghé thăm The Slow Reader.
🪴 The Slow Reader: Bỏ phố về quê, đọc sách, viết freelance
📚 Mình review sách/kể chuyện đời vào Chủ nhật và share #mẹoviết vào thứ Năm ạ 🤗
Theo đuổi 2 sự nghiệp cùng lúc là cảm giác thế nào?
Mình bắt đầu “cầm bút” viết chuyên nghiệp vào đầu năm 2018. Còn mình bắt đầu cầm máy ảnh tập quay phim vào năm 2020. Đến nay, mình đi con đường viết đã gần 6 năm; còn phim là 4 năm.