Mình là một người sống chậm, làm cái gì cũng từ từ, ít ít, không cố để vội, miễn là “bền và vững”. Làm nội dung cũng vậy. Như The Slow Reader này, tốc độ của mình hiện là 1 tuần/1 post trên Instagram và website.
Nhưng tất nhiên, đứng ở góc độ người làm kênh, mình cũng muốn kết nối với nhiều độc giả hơn, muốn kênh của mình được nhiều người biết đến hơn. Nên mình không thể không nghĩ đến TikTok.
👉 Mình đọc cuốn sách “Từ điển xây kênh” này với 1 câu hỏi trong đầu: “TikTok có dành cho người sống chậm như mình hay không?”
Sách này, theo mình biết, thì khá nổi tiếng. Có bài báo nói rằng, có thời gian, lượng doanh số của cuốn này trên TikTok Shop vượt mặt 2 cuốn sách “Muôn kiếp nhân sinh” và “Không diệt không sinh đừng sợ hãi”.
Tác giả của sách là Cấn Mạnh Linh - một chuyên gia đào tạo có tiếng về TikTok. Chính bản thân anh, theo lời kể trong sách, cũng đã đổi đời nhờ chuyển qua làm về TikTok. Cho nên, mình tạm tin tưởng những nhận định của anh về TikTok, được chia sẻ cuốn sách này.
Sau khi đọc sách này thì mình có 2 suy ngẫm sau về TikTok:
Thứ nhất, sự khắc nghiệt khi làm TikTok.
Theo tác giả, TikTok không phải là một cuộc chơi đơn giản. Để muốn thành công trên TikTok, content creator cần phải đầu tư một lượng thời gian, công sức khá lớn.
Nói như tác giả nói, “phải coi TikTok là một nghề thì bạn mới làm được”.
TikTok liên tục cập nhật xu hướng mới, TikToker cũng cần liên tục cập nhật theo. Rồi giả sử khi kênh TikTok đã “lên”, tức có một lượng follow ổn, thì TikToker cũng không nên làm video chững lại, bởi khán giả rất dễ quên họ.
Theo tác giả, tần suất sản xuất video mà TikTok yêu cầu cũng khá dày. Như nguyên văn tác giả viết: “Theo quy định của TikTok, một tuần phải đăng ít nhất bốn clip, (khoảng hai ngày một clip), nhưng “ngon” nhất là nên up mỗi ngày một clip”.
Chính điểm này làm cho mình khá lăn tăn. Mình muốn sản xuất nội dung đến các độc giả thân yêu, nhưng mà mình cũng muốn sống và làm việc một cách chất lượng nữa.
Tần suất 4 clip/tuần dường như đang hơi nhiều với mình. Hic hic 😢
Thứ hai, TikTok làm gia tăng chủ nghĩa tiêu dùng.
Điều này được thể hiện rõ nhất khi tác giả nêu bật lợi thế của TikTok với các nền tảng khác như Facebook, YouTube, Shopee.
⭐️ So với Facebook: Khi lướt TikTok, quy trình chốt đơn diễn ra tự động và nhanh chóng, chứ khách không phải bình luận rồi shop bán hàng inbox cho khách, tư vấn, rồi mới chốt đơn như trên Facebook.
⭐️ So với YouTube: YouTube chỉ là nền tảng truyền thông, giải trí, chứ không tích hợp bán hàng như TikTok.
⭐️ So với Shopee: Người ta lên Shopee để mua hàng, còn với TikTok, chúng ta ban đầu lên để giải trí, nhưng sau đó bị thôi thúc mua hàng.
Tác giả viết: “Việc lướt TikTok thường xuyên sẽ kích thích nhu cầu mua sắm của khách hàng. Họ nghĩ là, “Ừ, mình lên để giải trí mà. Nhưng trong lúc giải trí thì vui vui, mình lại mua hàng”.
👉Việc lướt video giải trí trên TikTok sẽ thôi thúc khách hàng mua hàng dựa trên cảm xúc tức thời. Riêng mình cảm thấy là đây là quy trình mua sắm không lành mạnh và không bền vững.
Nói tóm lại, TikTok thôi thúc chúng ta mua hàng theo cảm tính nhiều hơn 👉 mua về nhiều hơn những thứ chúng ta không cần 👉 giảm tiền trong thẻ của chúng ta và tăng rác thải cho hành tinh.
Trong sách, tác giả Cấn Mạnh Linh cũng ghi về chuyện thanh niên Trung Quốc chốt đơn theo cảm xúc của các phiên livestream được dẫn dắt khéo léo, cho nên thanh niên Trung Quốc “nợ cực kỳ nhiều”.
Mở ngoặc nha. Ngoài những suy nghĩ trên về TikTok, mình không thể phủ nhận rằng “Từ điển xây kênh” của tác giả Cấn Mạnh Linh là một cuốn sách rất hay và chân thực - về nhiều khía cạnh.
⭐️ Tác giả đưa ra các bài học marketing rất hay, được viết rất bình dân nhưng dễ hiểu và sắc bén. Những bài học này chắc chắn hữu ích không chỉ trên TikTok mà trên bất kỳ các nền tảng nào.
⭐️ Có nhiều tips kể chuyện, làm content, đặt tiêu đề video… Rồi chuyện làm việc với team quay dựng như thế nào, bí quyết livestream ra sao…
⭐️ Có vài chia sẻ xương máu của tác giả về hành trình khởi nghiệp đã thực sự “chạm” đến mình, cho mình thêm động lực phấn đấu.
Tuy nhiên, trở lại với câu hỏi ban đầu, với 2 đúc kết quan trọng từ “Từ điển xây kênh”, mình vẫn không nghĩ mình nên tham gia TikTok. Nhưng mình vẫn tự hỏi mình: “Liệu mình đang có điểm nghẽn nào trong tư duy hay đang hiểu sai điều gì về TikTok hay không?”
Có vài điều mình muốn bạn trả lời giúp.
Trong vai trò là người dùng, bạn có thường dùng TikTok không? Và nếu bạn cũng ưa chuộng lối sống chậm, bền vững... giống mình - bạn có thấy bản thân nhận được giá trị từ TikTok không?
Và từ những kênh nào, hay bằng cách tiêu thụ nội dung như thế nào?
Còn với những TikTok Creator, bạn cân bằng những đòi hỏi về tần suất, sự hối hả của nền tảng này như thế nào - để vừa hiệu quả mà vừa không để bản thân bị quá tải?
The Slow Reader rất mong được nghe từ các bạn!
3 bài học xây kênh chậm & chắc - từ 'Từ điển xây kênh' (Cấn Mạnh Linh)
Tuần này, mình xin chia sẻ đến mọi người những bài học mà mình đã thu nhặt được từ sách “Từ điển xây kênh” (tác giả Cấn Mạnh Linh).