Bữa cơm sáng của mẹ tôi - chút cảm nghĩ nhân ngày Vu Lan
Một trong những điều mình biết ơn nhất khi sống ở quê là: được ăn bữa cơm sáng mẹ nấu.
Điều này nghe thật đơn giản phải không? Nhưng những bữa sáng mẹ nấu là điều gì đó rất có ý nghĩa với mình. Mình sẽ giải thích tại sao…
Mình có thói quen là sáng sáng thức dậy không ăn sáng ngay, mà lại pha một ly cà phê và ngồi vào bàn làm việc.
Mình thích làm việc vào sáng sớm, khi ngồi làm được một chút thì ngẩng đầu lên thường là 8 giờ sáng rồi.
Những lúc ấy, vào 8 giờ sáng, nếu ở thành phố, mình sẽ vội thay quần áo rồi đi làm, trên đường đi làm nhai vội cái bánh mì hay gì đó.
Có khi mình còn chẳng kịp ăn, tới chỗ làm ngồi làm việc một tí nữa rồi sau đó xuống cửa hàng tiện lợi dưới công ty, mua gì đó bỏ bụng.
Mình nhớ có một khoảnh khắc nào đó, lúc ấy hẳn cũng đã 11 giờ trưa, mà lúc ấy mình mới xử lý xong bài vở, và đang ngồi ngoài hành lang công ty để nhai bánh mì (cho bữa sáng). Lúc ấy, sếp đi qua dòm thấy mình.
Sếp dòm mà không nói gì, chỉ tự mình tự nhiên thấy thẹn. Mình tự thấy mình trông thật tội nghiệp.
🍀🍀🍀
Tua nhanh đến hiện tại, bây giờ 8 giờ sáng ở quê, mình làm việc hòm hòm xong, nhấc mông lên, đi ra phòng ăn là có ngay bữa sáng mẹ nấu tại đó.
Thường sẽ có cá và canh đầy đủ (canh rau ngót, canh mướp, canh bí…), thỉnh thoảng còn có thêm một quả trứng gà luộc.
Vậy là mình không để cái bụng đói của mình phải chờ đợi nữa. Bữa ăn ngon và có mặt trên bàn ăn đúng thời điểm.
Thường thì lúc đó mình sẽ ngồi ăn một mình (vì cả nhà mình đã ăn từ lúc 6, 7 giờ rồi).
Mình luôn ăn bữa sáng đó với cảm giác biết ơn. Biết ơn vì mình không phải nhai bánh mì ngoài hành lang công ty nữa…
Có lẽ mình là đứa sống dễ hài lòng chăng? Hay chăng là vì hồi trẻ sống xa mẹ nhiều, nên giờ có những điều nhỏ mà mình rất trân trọng.
Về nhà sống, mình cảm nhận rõ lắm cái câu mà thầy Thích Nhất Hạnh nhắc lại trong đoản văn “Bông hồng cài áo”.
“Mẹ già như chuối Ba Hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau”…
“Mẹ như suối ngọt, như đường mía lau, như xôi nếp một. Anh không hưởng thụ thì uổng cho anh. Chị không hưởng thụ thì thiệt cho chị. Tôi chỉ cảnh cáo cho anh chị đừng có than thở rằng: ‘Đời ta không còn gì cả’”.
🌷🌷🌷
Mình còn nhớ, năm nào đó, mình vừa từ Hà Nội chuyển “về” Sài Gòn, cuộc sống tạm bợ, nghèo, công việc chưa ổn định, thuê cái trọ tồi tàn gần công viên Gia Định.
Lúc đó mẹ mình cũng vừa mới nghỉ hưu, bả lên xe đò vô Sài Gòn thăm mình.
(Trước đó, trong 3, 4 năm mình sống ở thành phố, vì công việc mẹ mình không xin nghỉ được nên mẹ mình chưa bao giờ vào Sài Gòn với mình).
Thì mẹ mình vô, thấy cái trọ mình ở là bả đã chán chả buồn nói. Rồi cũng không có đồ đạc gì nấu ăn cả.
Mẹ mình mới đi mượn của chủ trọ được một cái bình siêu tốc, xoay xở thế nào mà nấu được phở thịt bò. Múc ra hai tô, hai mẹ con ngồi ăn.
Tô phở ngon lạ kỳ, vì nó có vị ngọt của “xôi nếp một, “đường mía lau” giữa Sài Gòn. Tự dưng cả hai mẹ con ngồi ăn mà đều nước mắt lăn dài. Đó là lần đầu tiên và duy nhất khi mình trưởng thành mà hai mẹ con mình khóc trước mặt nhau.
Thế nên, bây giờ, về nhà sống gần mẹ, được ăn đồ mẹ nấu mỗi ngày, mình chẳng thể than thở gì nữa. Chẳng thể than thở là “đời mình không có gì cả”.
Đời mình giờ mỗi sáng có bữa ăn cơm canh đầy đủ, thêm một quả trứng gà luộc nữa! Than thở cái chuyện gì nữa!
3 năm về quê làm freelance & 5 điều LÃI to
Đây là những đúc rút xương máu của một người bỏ phố về quê năm 26 tuổi, ở nhà ăn-cơm-mẹ-nấu làm freelance content (kiêm thêm làm phim tài liệu độc lập và tập tành làm MMO).